Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị bệnh thủy đậu

Dấu hiệu thủy đậu có thể bị nhầm lẫn với các bệnh ngoài da nên nếu không chú ý người bệnh sẽ bỏ lỡ thời điểm điều trị lý tưởng. Dù thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nhưng vẫn mang đến đau đớn, khó chịu. Cùng Meyeucon bỏ túi những dấu hiệu thủy đậu để kịp thời chữa trị và phòng bệnh đúng cách nhé!

Cảnh báo chú ý
Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nên đến cơ sở ý tế gần nhất để được tư vấn chính xác từ chuyên gia trong ngành. Xin cám ơn! Chúc bạn nhiều sức khỏe.

Bệnh thủy đậu: Nguyên nhân hình thành


Bệnh thủy đậu là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính còn được biết đến với tên gọi bệnh trái rạ. Bệnh thủy đậu do virus thủy đậu gây ra, có tên khoa học là Varicella virus. Virus Varicella này có cùng loại với virus gây bệnh zona ở cả người lớn và trẻ em. 

Bệnh thủy đậu có khả năng lây nhiễm rất cao. Nhất là khi thời tiết nồm ẩm, độ ẩm không khí cao, thời tiết ấm, virus rất dễ phát triển. Trong lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều đại dịch bắt nguồn từ chính bệnh thủy đậu. Trẻ em và phụ nữ có thai là những đối tượng dễ mắc thủy đậu. Họ cũng là đối tượng có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Phụ nữ có thai nếu mắc bệnh Thủy đậu có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật thai nhi. Trẻ em hay gãi những nốt mụn nước nên dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não... Do vậy, cần kịp thời phát hiện để điều trị hiệu quả.


Dấu hiệu thủy đậu ở cả người lớn và trẻ em


Dấu hiệu thủy đậu ban đầu không khác lắm so với các nốt mụn nước, mụn muỗi đốt... Thế nhưng, theo thời gian chúng sẽ tiếp tục phát triển theo 4 giai đoạn, với các dấu hiệu điển hình:

Giai đoạn 1: Thời kỳ ủ bệnh từ 10-12 ngày



Giai đoạn này người bệnh mới nhiễm virus nên chưa có triệu chứng nào để nhận biết.

Giai đoạn 2: Thời kỳ bệnh khởi phát


Bước sang giai đoạn 2, người bệnh sẽ có những triệu chứng đầu tiên. Bắt đầu với sốt nhẹ, đau đầu, sau đó là chân tay nhức mỏi, người mệt mỏi, mất sức. 

24 - 48 tiếng tiếng theo, dấu hiệu thủy đậu sẽ xuất hiện rõ ràng hơn. Những nốt ban đỏ có đường kính khoảng 2 - 3 milimet nổi bật trên da. Một số trường hợp còn bị nổi hạch do hệ miễn dịch phản ứng lại với virus. 


Giai đoạn 3: Thời kỳ toàn phát


Đây là thời gian đau đớn và mệt mỏi nhất của người bệnh. Họ sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái chán ăn, sốt cao, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu... Những nốt ban đỏ lúc trước sẽ chuyển thành mụn nước chứa đầy dịch. Chúng gây đau rát, ngứa ngáy rất khó chịu.

Những nốt mụn nước này nhanh chóng lây lan ra toàn bộ cơ thể. Kể cả ở niêm mạc miệng càng khiến người bệnh ăn uống thêm khổ sở. Nguy hiểm hơn, nếu không may bị nhiễm trùng, mụn nước sẽ gia tăng về kích thước và dịch bên trong có màu đục hơn. Người bệnh cũng cảm thấy đau nhói, khó chịu vô cùng.

Giai đoạn 4: Thời kỳ hồi phục


Phải mất từ 7-10 ngày sau giai đoạn phát bệnh thì tình hình mới cải thiện hơn. Dấu hiệu thủy đậu lúc này rất dễ nhận thấy là các nốt mụn tự vỡ. Chúng khô lại và bong vảy dần dần. Lúc này, người bệnh cần được vệ sinh các vết thủy đậu thật tốt. Điều đó tránh được nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng và để lại sẹo lõm xấu xí về sau. 

Cách phòng ngừa và điều trị thủy đậu hiệu quả
Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu

Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa thủy đậu. Đây là phương pháp phòng tránh hiệu quả, an toàn và lâu dài nhất. Với trẻ em, trung tâm tiêm chủng vắc xin khuyến khích tiêm 2 mũi. Một mũi khi đủ 12 tháng, mũi tiêm còn lại nên tiêm khi 3-4 tuổi. Thanh thiếu niên và người lớn thì chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin là đủ

Nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ, tốt nhất hãy đưa các bé đến cơ sở y tế để tiêm phòng thủy đậu. Mũi tiêm này còn giúp bé phòng ngừa bệnh zona sau này. 

Cách điều trị bệnh thủy đậu


Hiện nay chưa có thuốc đặc trị thủy đậu nhưng người bệnh có thể điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Có thể điều trị tại nhà mà không cần nhập viện. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Có thể cách ly riêng và không nên đến các khu vực công cộng.
Trang phục cho người bệnh nên chọn loại rộng rãi, mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi. Giảm thiểu ma sát với mụn nước gây đau đớn.
Những đồ dùng cá nhân như cốc, ly, bát, đũa, thìa... cần cách ly với người lành.
Không được gãi, chà xát để tránh làm vỡ các mụn nước gây nhiễm trùng và lây lan sang vùng da khác.
Nên ăn các món thanh đạm, uống đủ nước và hạn chế thực phẩm dầu mỡ, cay nóng...

Dấu hiệu thủy đậu ở giai đoạn đầu khó phát hiện. Thế nhưng ngay khi thấy triệu chứng của bệnh, bạn cần đến các cơ sở y tế xét nghiệm để kịp thời cách ly và điều trị hiệu quả. 

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn