LỄ HỘI HUẾ 2020 (FESTIVAL HUẾ)

Festival Huế hay Lễ Hội Huế đã trở thành hoạt động văn hóa, kỷ niệm thường niên. Không chỉ giúp nâng cao, gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của người Huế, cung đình Huế mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy và thu hút du khách tới thăm quan, khám phá con người cũng như đất nước Việt Nam xinh đẹp.


I - Giới thiệu tổng quan

Lễ hội Huế là một trong những hoạt động thường niên được tổ chức 2 năm/lần. Mục đích chính của Festival là nâng cao giá trị, nét đẹp của văn hóa truyền thống, đồng thời tưởng nhớ về một thời hoa mỹ của cố đô Huế. Tham gia lễ hội du khách sẽ mãn nhãn với những màn trình diễn nghệ thuật, nhã nhạc cung đình huế, ngâm thơ,... hay chìm đắm vào không gian nhiều màu sắc của hoa cỏ và ẩm thực cung đình.

1 - Lịch sử

Là hoạt động văn hóa nhằm mục đích lưu giữ và phục dựng lại những nét đẹp văn hóa phi vật thể của cố đô Huế như: nhã nhạc cung đình huế, tái hiện lại lịch sử hình thành và phát triển của cô đô thông qua các vở kịch, lưu giữ những ngành nghề truyền thống và thúc đẩy phát triển văn hóa với kinh tế cho cố đô.

Festival Huế đầu tiên có tên gọi là “Festival Việt - Pháp” được tổ chức năm 1992. Đây là cơ hội giao lưu văn hóa và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Sau khi thấy được giá trị tinh thần và văn hóa của hoạt động này thì lễ hội được đổi tên thành Festival Huế và chính thức tổ chức 2 năm/lần bắt đầu từ năm 2000.

2 - Quy mô

Lễ hội là sự tổ chức đồng bộ trên quy mô lớn trong - ngoài phạm vi thành phố, bao gồm những hoạt động chính và đặc sắc hơn cả như: Lễ tế Nam Giao, Đêm hoàng cung, Lễ Truyền Lô, Lễ hội Biển, Lễ hội Áo Dài, Vinh Quy Bái Tổ, Thả Diều, Chợ Quê, Cờ người, Thả Thơ hay Đua Trải,...

Ngoài ra, lễ hội còn tái hiện lại nhiều thời khắc lịch sử thiêng liêng khác như: Thi tiến sĩ, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế,... Hay tái hiện lại các làng nghề thủ công mỹ nghệ, khôi phục lại các làng nghề thủ công truyền thống. Không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc gìn giữ nét văn hóa Việt trong quá trình hội nhập kinh tế.

3 - Các kỷ lục đạt được

Trong hơn 10 lần tổ chức Festival Huế đã đạt được nhiều cột mốc kỷ lục quan trọng trong và ngoài nước. Tính tới thời điểm hiện tại thì lễ hội Huế đã dành được Unesco công nhận 05 di sản văn hóa thế giới là: Di tích cố đô Huế (1993); Nhã nhạc cung đình huế (2003); Mộc bản triều Nguyễn (2010); Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). 

Và hàng loạt các giải thưởng, kỷ lục cấp quốc gia khác như: Ca Huế và Dệt Dèng; Truyện thơ Lục Vân Tiên trên gấm dài nhất; Chùa thiên mụ công trình thuộc phân khu di sản văn hóa thế giới; Tháp chuông thiên mụ - tháp cổ nhất tại Việt Nam;... Không những thế mỗi kỳ Festival còn thu hút hàng chục quốc gia, đơn vị biểu diễn nghệ thuật và hàng triệu du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.

4 - Ý nghĩa

Có thể thấy Festival Huế đã vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam và trở thành hoạt động văn hóa thường niên mang tầm cỡ thế giới. Hoạt động không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa và ngành nghề truyền thống. Đồng thời, lễ hội cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và giao lưu văn hóa quốc tế.

5 - Điểm mặt những Festival Huế trong 10 năm qua

Trong 10 năm qua thì đã có khoảng 9 Lễ Hội Huế được tổ chức với chủ đề và quy mô khác nhau. Cụ thể như sau:
- Festival Huế 2010 - Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển: Diễn ra từ ngày 05/06/2010 - 13/06/2010 với sự tham gia của 53 nhóm nghệ sự, đến từ 30 quốc gia. Cùng với đó là nhiều hoạt động trước và sau Festival vô cùng hấp dẫn. Thông tin chi tiết: huefestival.com.
- Festival Huế 2012 - Nơi gặp gỡ các thành phố Lịch sử: Khai mặc từ ngày 07/04/2012 - 15/04/2012 với sự tham gia của hàng chục đoàn nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp đến từ 27 quốc gia trên thế giới. Thông tin chi tiết huefestival.com. 
- Festival Huế 2014 - Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển: Diễn ra từ ngày 12/04/2014 - 20/04/2014 với sự tham gia của hơn 30 quốc gia. Mỗi đội trình diễn nghệ thuật lại mang đến một màu sắc văn hóa độc đáo, khác biệt. Thông tin chi tiết: huefestival.com.
- Festival Huế 2016 - Huế mãi trọn tình: Diễn ra từ ngày 29/04/2016 - 04/05/2016 với sự tham dự của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ hơn 30 quốc gia trên thế giới. Lễ hội mang tới một bữa tiệc văn hóa, âm nhạc và ẩm thực đặc sắc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Thông tin chi tiết: huefestival.com.
- Festival Huế 2018 -  Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển: Diễn ra từ ngày 27/04/2018 - 02/05/2018 với sự tham dự 39 đoàn nghệ thuật đến từ 20 quốc gia. Tổng cộng là 1.296 nghệ sự góp mặt cho chương trình Festival Huế 2018 cùng với nhiều màn trình diễn đặc sắc. Thông tin chi tiết huefestival.com. 

III - Các hoạt động chính diễn ra trong Festival Huế

Mỗi năm Festival Huế lại được tổ chức ở một quy mô khác và số lượng đoàn tham gia khác nhau. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo có đầy đủ những hoạt động chính dưới đây:

1 - Lễ khai mạc và bế mạc

Mỗi lễ hội Huế thường diễn ra trong khoảng 6 ngày đêm, thời gian trung bình là từ tháng 4 - tháng 7. Tùy thuộc vào thời tiết, hoạt động tổ chức và liên kết với các đoàn biểu diễn nghệ thuật mà thời gian sẽ được định chính xác vào mỗi năm. Mỗi dịp Festival tùy theo chủ đề mà lễ khai mạc - bế mạc sẽ có những hoạt động văn hóa khác nhau.

2 - Trình diễn thời trang áo dài

Ngay trên Quảng Trường Ngọ Môn những bộ áo dài truyền thống được hàng trăm người mẫu trình diễn, với đủ màu sắc và kiểu cách khác nhau. Mỗi năm với một chủ đề khác nhau tạo nên những ấn tượng tốt trong lòng du khách. Trong thời gian qua thì trình diễn áo dài đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong Festival Huế.

3 - Nghe nhã nhạc cung đình Huế trên sông Hương

Có không ít du khách cho rằng “Chưa xem nhã nhạc cung đình Huế trên sông Hương thì xem như chưa tham dự lễ hội Huế”. Bởi đây là một trong những hoạt động biểu diễn văn hóa dân tộc tiêu biểu của lễ hội. Hơn nữa, nhã nhạc cung đình Huế còn được Unesco công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003 (nguồn: wikipedia.com) bởi tính phức tạp trong quá trình biểu diễn, nét đặc sắc dân tộc riêng và đương nhiên là rất hay.

4 - Ẩm thực cung đình Huế

Nếu có thời gian thì đừng bỏ lỡ hội thảo “Ẩm thực cung đình và dân gian Huế” không chỉ có những món ăn độc đáo, ngon mắt và ngon miệng. Tại đây, bạn còn có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện dân gian, truyền thuyết có liên quan đến món ăn. Từ đó, hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực, văn hóa dân gian của người Huế nói riêng và người Việt nói chung.


5 - Trình diễn đường phố

Du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp với những hoạt động trình diễn đường phố đa màu sắc, đa thể loại đến từ nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật đến từ năm châu. Những tiết mục múa, nhảy,... sôi động trên nhiều tuyến đường lớn tại thành phố Huế đem tới không gian tươi mới và chắc chắn du khách sẽ phải trầm trồ với tài năng của nghệ sĩ, cũng như cảm nhận được khả năng vô hạn của con người.

6 - Chơi cờ người

Cờ tướng hay cờ vây đã không còn quá xa lạ nhưng bạn đã bao giờ nghe đến “Cờ người” hay chưa? Thực chất đó là bộ môn cờ tướng được phát triển trên một bàn cờ (sân lớn) và có người đóng vai (quân cờ), đồng thời mặc trang phục, mang cờ, lọng võng phù hợp với vị trí của mình. Điểm đặc sắc của bộ môn cờ người chính là ở lối chơi, trang phục của nhân vật trên bàn cờ 32 quân.

7 - Trình diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế

Các hoạt động trình diễn nghệ thuật đến từ hàng chục đoàn nghệ thuật đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, chắc chắn sẽ mang tới cho du khách một “bữa ăn tinh thần” độc đáo và khó quên. Chính bởi ấn tượng sâu sắc đó mà hoạt động giao lưu văn hóa này đã dần trở thành một phần quan trọng của lễ hội Huế.


IV - Festival Huế 2020

Năm 2020 Lễ hội Huế lần thứ XI sẽ được tổ chức, với nhiều hoạt động sôi nổi đến từ nhiều đoàn nghệ thuật, chủ đề Festival Huế năm nay “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới”. Lễ hội sẽ mang tới cho bạn một góc nhìn mới về Huế mà vẫn không đánh mất đi những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có.

1 - Ảnh hưởng bởi dịch Covid 19

Festival Huế lần thứ 11 được dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) nên thời gian tổ chức được đẩy lùi lại vào khoảng 28/08 - 02/ 09/2020.

2 - Các đơn vị tham gia

Theo thông tin dự kiến thì sẽ có khoảng 20 đoàn nghệ thuật quốc tế góp mặt trong Festival Huế 2020 với nhiều tiết mục trình diễn văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Dự kiến thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước tới với thành phố Huế, đây được xem là hoạt động kích cầu du lịch mạnh mẽ sau thời gian chịu ảnh hưởng xấu từ dịch Viêm đường hô hấp cấp.

3 - Các sự kiện dự kiến tổ chức

Một số sự kiện chính được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Huế 2020 gồm:
- Chương trình nghệ thuật khai mạc tại quảng trường Ngọ Môn. Nơi tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đương đại của Huế và Việt Nam.
- Lễ hội đường phố đa sắc màu: Không chỉ có những hoạt động biểu diễn đường phố mà hoạt động năm nay còn có sự góp mặt của hoạt động trình diễn trang phục truyền thống của nhiều quốc gia trong khối Asean, rước mặt lạ rồng,...
- Huế kinh đô ẩm thực nơi giới thiệu nhiều di sản văn hóa ẩm thực tinh tế, phong phú. Đó cũng chính là lý do mà huế được xem như “kinh đô ẩm thực”; với sự góp mặt của món ăn cung đình Huế, món ăn dân gian và đồ chay.
- Biểu diễn nhạc Trịnh nơi giới thiệu những tác phẩm âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi trên khắp mọi miền tổ quốc.
- Đại nhạc hội điện tử EDM nơi mang tới không gian âm nhạc sôi động cho du khách thấy một Huế hoàn toàn mới lạ, hội nhập và trẻ trung khác hẳn với dáng vẻ vốn có.
- Trình diễn áo dài gồm ba phần: Bài thơ đô thị; Huế luôn mới; Huế thành phố rực rỡ sắc hoa là điểm nhấn khép lại Festival Huế. Không chỉ tôn vinh vẻ đẹp mà còn khẳng định vị thế, giá trị của trang phục truyền thống với cuộc sống hiện đại.
- Ngoài ra, còn có một số hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra trước - sau Festival Huế vô cùng hấp dẫn như: Ngày hội áo dài; liên hoan các CLB nghệ thuận toàn quốc; liên hoan diều; lễ hội bia; hội chợ thương mại; đua ghe truyền thống,...
(nguồn: http://www.huefestival.com)

V - Lời khuyên khi tham dự Festival Huế

Nhằm có được một chuyến du lịch, khám phá và hòa mình vào Festival Huế hoàn hảo thì du khách nên lưu ý những điều sau:

1 - Trang phục

Để tránh những lỗi trang phục không mong muốn thì bạn nên xác định trước địa điểm thăm quan trải nghiệm trong ngày và lựa chọn trang phục phù hợp với thời tiết, hoạt động cũng như nơi thăm quan. Ví dụ: một số địa điểm thăm quan có tính trang nghiêm, văn hóa tâm linh thì bạn không nên mặc đồ quá ngắn hay quá mát mẻ và áo phông và quần jean là một chọn an toàn.

Khoảng thời gian diễn ra Festival Huế năm 2020 vào khoảng tháng 8 - tháng 9, thời điểm này đang là mùa khô nên nhiệt độ trong ngày khá cao từ 35 - 40oC. Thời tiết khá nắng và oi bức, khi ra ngoài bạn nên chuẩn bị mũ, nón, ô dù, áo dài tay và bôi kem chống nắng bảo vệ da.

2 - Ăn uống

Ở Huế không có tình trạng nói thách nhưng tốt nhất bạn vẫn nên hỏi giá trước khi dùng hoặc tham khảo giá trong thực đơn, tránh tình trạng khi ăn xong lại phát sinh tình huống không mong muốn. Đã đến Huế nhất định phải thưởng thức qua ẩm thực cung đình Huế, ẩm thực chay và ẩm thực dân gian; trong đó thì món ăn cung đình Huế là nổi tiếng và đang thử hơn cả. Không chỉ gây thương nhớ bởi hương vị đặc trưng mà món ăn cung đình còn ghi điểm trong lòng du khách bởi cách trình bày cầu kỳ, độc đáo và bắt mắt.
- Địa điểm thưởng thức ẩm thực cung đình Huế:
Nam Châu Hội Quán tại số 4 đường Kim Long hoặc số 7 Vạn Xuân, Tp Huế. Giờ mở cửa 10:00 - 22:00 hàng ngày, mức giá đồ ăn từ 300.000 - 550.000đ/món (~12 - 24$). Điện thoại - 0234.351.0587
Nhà hàng Cung Đình Huế tại số 3, đường Nguyễn Sinh Sắc, p Vĩ Dạ, Tp Huế. Giờ mở cửa 11:00 - 23:00 mỗi ngày, mức giá 260.000 - 1.400.000đ/set menu (~11 - 60$). Điện thoại - 0234.3897.202.
- Địa điểm thưởng thức ẩm thực dân gian Huế:
Quán Bún Bò Huế tại số 17 đường Lý Thường Kiệt, Tp Huế. Giờ mở cửa: 7:00 - 22:00 mỗi ngày, mức giá 30.000 - 50.000đ/tô (~1.25 - 2$).
Bún thịt và nem lụi Bà Tý tại số 81 đường Đào Duy Từ, Tp Huế. Giờ mở cửa 14:00 - 22:00 mỗi ngày, mức giá trung bình cho một người là 20.000 - 50.000đ/người (~ 1 - 2$).
- Địa điểm thưởng thức đồ chay tại Huế:
Vườn Ngự Hà - Quán cơm chay Huế tại số 181, van 68, phường Thuận Lộc, Tp Huế. Giờ mở cửa từ 6:00 - 22:00 mỗi ngày, mức giá đồ ăn từ 20.000 - 80.000đ/món (~ 1 - 4$).
Liên Thư Quán tại số 3, đường Lê Quý Đôn, Tp Huế. Giờ mở cửa từ 7:00 - 22:00 mỗi ngày, mức giá đồ ăn ở đây từ 15.000 - 55.000đ/món (~0.75 - 1.25$).

Một số món ăn vặt có thể mua làm quà như mè xửng, bánh đa mè, bánh xu xê, giò chả, chả bò,... đây đều là những món “đặc sản” mang hương vị riêng của Huế. Hơn nữa những món này đóng gói nhỏ gọn, không có mùi nên dễ dàng mang theo khi đi máy bay. Nếu bạn là người yêu thích nét đẹp văn hóa và con người nơi đây thì một chiếc áo dài, chiếc nón bài thơ cũng là những món quà lưu niệm vô cùng hợp lý.

3 - Kinh phí

Một số hoạt động mất phí khi tham dự Festival Huế mà du khách cần biết và đặt chỗ trước như: 
- Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Huế: giá vé 200.000đ/vé/người (~10$).
- Chương trình nghệ thuật Đại Nội: giá vé 100.000đ/vé/người (~5$).
- Lễ hội áo Dài: giá vé 150.000đ/vé/người (~ 6 - 7$)
- Biểu diễn nghệ thuật tại cung An Định: giá vé 50.000đ/vé/người (~2$).
- Chương trình nghệ thuật bế mạc Festival Huế: giá vé 150.000đ/vé/người (~6 - 7$).

Ngoài ra, còn một số khoản chi phí đi lại, ăn uống và lưu trú tại Huế mà du khách cần chuẩn bị. Những khoản nhất định phải chi như: vé máy bay; khách sạn lưu trú; ăn uống và tham quan tại Huế.

Với những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ, tổng hợp thì hy vọng bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi ghé thăm thành phố Huế mông mơ và đắm mình vào không gian lễ hội Huế. Mong rằng, mỗi chuyến đi sẽ là một “mảnh ký ức” xinh đẹp trong tâm trí của mỗi người.

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn